Vắt và bảo quản sữa mẹ – những điều cần lưu ý!
Chúng ta ai cũng biết tính ưu việt của sữa mẹ, nhưng việc tiếp tục cho con sử dụng sữa mẹ khi mẹ phải đi làm không phải ai cũng làm được.
Nếu như sữa mẹ tiết ra làm căng ngực mẹ, không cho con bú ngay hoặc vắt sữa ra thì cơ thể sẽ có cơ chế tiết kiệm, giảm tiết sữa mẹ dần dần. Cùng với sự lo lắng, thậm chí ám ảnh rằng không đủ sữa cho bé cũng làm cho nguồn sữa mẹ bị giảm sút dần. Vì vậy khi mẹ đi làm, hãy tranh thủ trước khi đi làm, buổi trưa về nhà, tối ở nhà và ban đêm để cho bé tiếp tục bú mẹ. Hãy tin tưởng rằng sữa mẹ vẫn dồi dào nếu mẹ ăn uống, nghỉ ngơi và có những biện pháp bảo vệ nguồn sữa hợp lý. Khi mẹ vắng nhà, bé có thể dùng sữa mẹ đã vắt để lại cho bé. Cùng tìm hiểu cách vắt và bảo quản sữa mẹ để đảm bảo nguyên vẹn dưỡng chất, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh trong những năm tháng đầu đời nhé!
Vắt sữa như thế nào?
Bà mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy hút sữa phù hợp với kích cỡ bầu vú của nhiều bà mẹ. Tuy nhiên việc vắt sữa bằng tay hay bằng máy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, thói quen và sự lựa chọn của mỗi bà mẹ.
Chuẩn bị trước khi vắt sữa:
Chuẩn bị dụng cụ đựng sữa bằng cốc, ly hoặc bình sữa có miệng rộng.
Rửa sạch dụng cụ đựng sữa bằng xà phòng và nước sạch. Đổ nước sôi vào dụng cụ đựng sữa, để khoảng vài phút rồi đổ đi.
Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch. Lau sạch bầu vú bằng khăn mềm và nước ấm.
Bà mẹ có thể đứng hoặc ngồi theo tư thế thoải mái nhất của mình.
Cách vắt sữa bằng tay:

Vắt và bảo quản sữa mẹ
-. Massage nhẹ nhàng bầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên bầu vú tạo cảm giác dễ chịu và giúp cho sữa về dễ hơn. Người mẹ thư giãn và nghĩ đến con.
– Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác.
– Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực, ấn vào rồi thả ra nhiều lần. Không nên ấn mạnh vì có thể làm tắc tia sữa.
– Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía để đảm bảo sữa được vắt ra từ tất cả các khoang sữa.
– Vắt nhẹ nhàng theo nhịp bú của bé. Thường động tác sau 10 giây sữa sẽ phun ra.
Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da. Các ngón tay vắt bằng cách lăn trên da. Tránh ấn vào núm vú. Ấn hoặc kéo núm vú không thể vắt được sữa.
Vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt lại ở cả hai bên.
Bảo quản sữa làm sao cho đúng?
Sữa sau khi vắt cần được chứa trong bình khử trùng. Thời hạn lưu trữ sữa như sau:
– Sữa mẹ sau khi vắt, nếu để ở nhiệt độ thường khoảng 26°C thì chỉ dùng an toàn trong 4-6h, khoảng < 22°C thì có thể dùng trong 6-8h.
– Sữa mẹ được lưu trữ trong ngăn mát của tủ lạnh thì có thể sử dụng trong vòng 24 giờ.
– Nếu lưu trữ trong ngăn đá tủ lạnh, lượng sữa này có thể sử dụng dần trong khoảng 3 tháng.
– Khi lưu trữ trong tủ đông lạnh riêng biệt ở tủ đông chuyên biệt < -18°C, bạn có thể giữ lượng sữa mẹ đến tận 6 tháng.
Cho bé uống sữa ngay sau khi rã đông. Trước khi cho trẻ bú nên ngâm bình sữa vào nước ấm để tang nhiệt độ sữa bằng nhiệt độ cơ thể người, không bị lạnh cho trẻ. Không tái đông lạnh lần nữa khi nó đã tan. Không nên hâm nóng sữa bằng cách cho vào lò vi song hoặc đun sôi sữa, vì khi đó lượng protein (chất đạm) có trong sữa sẽ bị nhiệt độ phân hủy làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa.