Thừa cân, béo phì – kiến thức phòng và điều trị

Thừa cân, béo phì là gì:

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe, thường chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) lớn hơn 25 là thừa cân, lớn hơn 30 được coi là béo phì.

Thừa cân, béo phì làm cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp… Cùng với việc làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Đây là một bệnh lý độc lập nhưng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư…  bệnh có ở cả trẻ em và người lớn.

giam-can-pv-kinh-te

Nguyên nhân gây thừa cân – béo phì

Thừa cân, béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng, chủ yếu do mất cân đối giữa cung cấp năng lượng từ ăn uống với mức tiêu hao năng lượng qua lao động và các hoạt động sống. Chế độ ăn không hợp lý, ăn nhiều chất béo, chất ngọt và ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể.

Hoạt động thể lực ít: Sống ù lì, chậm chạp hay quá nhàn hạ, ít hoạt động thể lực và rèn luyện thể dục thể thao.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như yếu tố kinh tế xã hội, yếu tố di truyền…Đồng thời người ta còn nhận thấy trẻ em bị suy dinh dưỡng sớm đến khi trưởng thành dễ bị béo phì.

Một số lưu ý phòng và điều trị thừa cân béo phì:

+ Đối với người lớn:

Chế độ ăn

–       Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối: giảm năng lượng ăn vào bằng cách: ăn bớt cơm, không ăn đường mật, bánh kẹo, nước ngọt, các món có nhiều thịt mỡ, các món xào, rán có nhiều chất béo.

–       Nên ăn cá, thịt nạc, ăn các món luộc, hấp thay cho các món rán, xào. Uống sữa gầy, sữa không đường, nước chè xanh.

–       Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít ngọt.

tap_luyen

Chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tập luyện để có vóc dáng đẹp

Lối sống:

–       Thực hiện lối sống năng động, lao động thể lực nhiều để tăng tiêu hao năng lượng.

–       Rèn luyện thể dục thể thao thích hợp theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

+ Đối với trẻ em

Cách xử trí béo phì trẻ em khác với người trưởng thành là không bắt trẻ giảm ăn, vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm sự phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là các vitamin và vi chất dinh dưỡng như can-xi, kẽm…

Các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức dinh dưỡng, quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động, phát triển lành mạnh.

beo-phi-tre-em-400

Trẻ thừa cân, béo phì

Chế độ ăn:

–        Nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau đẻ và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.

–       Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, thực đơn cân đối hợp lý bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.

–       Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa.

Những điều nên tránh:

–       Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga.

–       Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường.

–       Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolat, kem, nước ngọt trong nhà.

–       Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ.

Tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ.

So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.

Các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động:

–       Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội..

–       Hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc…

–       Hạn chế ngồi xem ti vi, video, trò chơi điện tử…  nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

Bác Sĩ Dinh Dưỡng

Gửi bình luận

Bài viết cũ:

Bài viết tiếp theo:

bg_bacsidinhduong