Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt

Bệnh khô mắt đã được danh y Việt nam Hải Thượng Lãn Ông mô tả với cái tên “cam mắt” ở những trẻ ăn nhiều chất bột, bụng chướng, mắt kéo màng rồi mù.

Vitamin A có vai trò rất quan trọng tại mắt:

– Tham gia trực tiếp vào các phản ứng hóa học ở các tế bào que và nón ở võng mạc. Nếu thiếu  vitamin A gây triệu chứng quáng gà.

– Tác dụng trên biểu mô kết – giác mạc, giúp biểu mô giữ độ trong bóng. Thiếu  vitamin A đưa tới bệnh khô mắt, giảm thị lực, nhuyễn biểu mô kết – giác mạc gây mù.

Vitamin_A

Vitamin A có nhiều vai trò quan trọng với cơ thể

 Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt ở Việt Nam

   Thời thuộc pháp, nhiều y văn mô tả bệnh mù này gặp nhiều ở trẻ em dưới 10 tuổi, ở những gia đình thiếu thốn. Cho đến những năm 80, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng bị khô mắt dẫn tới mù loà gặp khá nhiều trong các khoa Nhi bệnh viện trong toàn quốc. Lần đầu tiên Viện Dinh dưỡng, Viện Mắt, Bệnh Viện Nhi tổ chức một cuộc điều tra trên cộng đồng ở nhiều tỉnh thành phố trong toàn quốc.

Căn cứ vào mức độ và hình thái tổn thương ở mắt do thiếu vitamin A, người ta chia bệnh khô mắt (xerophthalmia) ra các giai đoạn sau: Quáng gà (ký hiệu là XN); Khô kết mạc (X1A); Vệt Bitot (X1B); Khô giác mạc (X2); Khô/loét nhuyễn giác mạc dưới 1/3 bề mặt (X3A); Khô/loét nhuyễn giác mạc trên 1/3 bề mặt (X3B); và Sẹo giác mạc do khô mắt (XS). Tổ Chức Y tế Thế giới (1983) đưa ra ngưỡng xác định ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng của vấn đề thiếu vitamin A khi có ít nhất một trong các tiêu chuẩn sau vượt quá ngưỡng: Quáng gà > 1% số trẻ; vệt bitot >0.5%; X2/X3A/X3B >0.01%; XS >0.05%. Về chỉ tiêu sinh hoá: khi vitamin A huyết thanh < 10mcg/dl với trên 10% số trẻ.

   Ở Việt Nam, theo cuộc điều tra trên cộng đồng (1985), tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị khô mắt có tổn thương giác mạc hoạt tính (X2/X3A/X3B) là 0,07%, tức là 7 lần cao hơn ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới coi đây là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Ước tính bấy giờ hàng năm có khoảng 5000-6000 trẻ bị mù loà do khô mắt. Năm 1994, cuộc điều tra toàn quốc do Viện Dinh dưỡng, UNICEF và HKI tiến hành cho thấy tỷ lệ khô mắt đã hạ thấp dưới ngưỡng quy định của TCYTTG. Tuy nhiên, thể thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở Việt nam vẫn còn tồn tại. Tổ Chức Y tế Thế giới (1997) đã xếp Việt nam vào danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A cận lâm sàng ở mức độ nặng. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng (vitamin A huyết thanh thấp, < 0.70 mmol/L) vào năm 1998 là 12%. Theo các nghiên cứu trên thế giới, thiếu vitamin A tiền lâm sàng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong, và giảm tăng trưởng ở trẻ em. Vì vậy, phòng chống thiếu vitamin A vẫn còn là vấn đề cần quan tâm ở Việt nam.

Nguyên nhân thiếu vitamin A ở Việt nam

Vitamin A

Vitamin A

– Do khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A: Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều vùng. Trẻ em trong giai đoạn ăn bổ sung với một chế độ ăn nghèo thức ăn động vật, rau xanh quả chín (chứa nhiều tiền vitamin A (caroten). Thiếu dầu mỡ trong khẩu phần làm giảm hấp thu vitamin A. Tập quán cho trẻ ăn bổ sung chỉ có bột gạo, đường hoặc muối là một sai lầm về chế độ nuôi dưỡng dẫn tới thiếu vitamin A và các vi chất khác. Nhiều trẻ bị mù dinh dưỡng do không được bú mẹ vì sữa mẹ chứa nhiều vitamin A, thích hợp với trẻ nhỏ.

– Tình trạng nhiễm trùng đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cũng là các nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu hụt vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là nguyên nhân của thiếu vitamin A. Đây là những tình trạng khá phổ biến ở Việt nam.

– Suy dinh dưỡng protein năng lượng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu protein ảnh hưởng tới chuyển hoá, vận chuyển vitamin A trong cơ thể. Ngoài ra, thiếu các vi chất khác như thiếu kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hoá vitamin A.

Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A ở Việt nam

– Cải thiện bữa ăn, giáo dục truyền thông dinh dưỡng: Từ năm 1988, Chương trình phòng chống thiếu vitamin A ở Việt nam đã khuyến nghị mọi bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ. Khuyến khích và hướng dẫn chế độ ăn bổ sung hợp lý (thức ăn động vật, dầu mỡ, các loại rau xanh có hàm lượng caroten đáng chú ý là rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, qủa chín như đu đủ, xoài…). Khuyến khích phát triển hệ sinh thái Vườn-Ao-Chuồng nuôi gia đình để tạo nguồn thực phẩm cho bữa ăn. Các chương trình giáo dục đại chúng như tổ chức “ngày vi chất dinh dưỡng toàn quốc” vào 1-2 tháng 6 hàng năm, từ năm 1996 đến nay cùng với giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ.

– Bổ sung viên nang vitamin A liều cao: Từ năm 1993, Việt nam áp dụng việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ 6-36 tháng tuổi trong toàn quốc thông qua hệ thống y tế. Hiện nay, giải pháp này đang tiếp tục áp dụng, có thể duy trì cho tới năm 2005. Trẻ được uống viên nang 200.000 đơn vị quốc tế (UI) mỗi năm 2 lần (đối với trẻ dưới 12 tháng cho uống viên nang 100.000 UI). Việc bổ sung vitamin A liều cao cho các bà mẹ ngay sau đẻ cũng được áp dụng.

– Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn: Các bệnh nhiễm trùng nhất là sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp có nguy cơ đối với thiếu vitamin A và khô mắt. Từ năm 1996, việc bổ sung vitamin A phối hợp với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Trẻ em bị bệnh nhiễm khuẩn được bổ sung dự phòng vitamin A cùng với việc điều trị bệnh.

– Tăng cường vitamin A trong một số thực phẩm: Hiện nay ở Việt nam chưa triển khai giải pháp này. Tuy nhiên, từ năm 2000 sẽ tiến hành một nghiên cứu thí điểm về đưa vitamin A vào trong đường và một số thực phẩm khác như bánh kẹo, mỳ ăn liền. Giải pháp này đã thành công ở một số nước.

Như vậy, có thể nói những thành tựu trong phòng chống thiếu vitamin A ở Việt nam chủ yếu dựa vào giải pháp bổ sung vitamin A. Trong thời gian tới, biện pháp cải thiện bữa ăn để có sự đầy đủ vi chất dinh dưỡng và tăng cường vi chất vào thực phẩm cần được quan tâm thích đáng.

 

 

Gửi bình luận

Bài viết cũ:

Bài viết tiếp theo:

bg_bacsidinhduong